Giới thiệuTin tức

Thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt

“You can do hundred things right, but one mistake can destroy everything...” - skype status of Mr. Quang N.P - iFC Vietnam

Bạn hãy đọc kỹ tiêu đề và câu trích dẫn bên trên.

Phải trả giá bao nhiêu, để thực sự hiểu được những câu nói như thế.

Đã bao lần bạn cùng tôi cố gắng, rồi nhìn toàn bộ công sức của mình theo gió bay đi, vì chỉ một lời nói.

Đã bao lần bạn cùng tôi làm ngày đêm, rồi cả hệ thống phải xiêu vẹo chống đỡ vì một lỗi thiết kế.

Chúng ta trách ai đó đã không kiểm tra kỹ. Chúng ta có bao nhiêu thời gian để làm việc với bản thiết kế, với sản phẩm của mình, với hợp đồng của mình, còn bộ phận kiểm thử có bao nhiêu thời gian để kiểm tra từng lỗi.

Có một ngày, tôi ý thức ra được, rằng mình sẽ cẩn thận trong từng động tác, khi đi, khi đứng, trong từng lời nói, từng hành động của mình.

Tôi thấy, tôi cần phải thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt.

Nhưng dường như tôi vẫn chưa cẩn thận.

Cho tới một hôm, tôi đọc được dòng chữ “You can do hundred things right, but one mistake can destroy everything...”

Tôi có thể làm cả trăm việc tốt, mà chỉ một việc thiếu cẩn thận, sẽ xóa sổ hết ư? Thật thế đó các bạn ạ.

Nếu chưa phải thế, chẳng qua là bạn và tôi đã quá may mắn, gặp được đối tác, khách hàng quá tốt.

Tôi dường như hiểu rõ hơn sự nguy hiểm của những lỗi nhỏ nhặt.

...

Tôi và Tuấn đang làm việc tại nhà máy may Minh trí - Hà Nội...

- Anh ơi, có chuyện này...

- Em nói đi...

- Anh qua em nói...

Tôi đang trao đổi cùng chị Hương, đại diện của công ty Minh Trí, thì Tuấn đang ngồi code đối diện gọi. Tôi đứng dậy bước qua.

- Sau khi em sửa lỗi tạo bán thành phẩm (BTP), thì mới thấy lỗi này. CDM chỗ này đúng ra phải là khóa chính, của mình lại chỉ là khóa ngoại, nên mình không thể tạo nhiều cây vải cùng màu trên một bàn cắt.

Tôi im lặng, vấn đề không đơn giản chút nào, và tệ hơn cả, nó tới đúng phút cuối cùng của tuần làm việc của tôi và Tuấn tại Hà Nội. Tôi đã dự kiến sáng ngày Thứ Bảy, hôm sau, sẽ bàn giao sản phẩm cho chị Hương, để test trên diện rộng và chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng.

- Có thể chia nhỏ bàn cắt anh ạ.

Tuấn đang tìm cách gỡ nhanh. Tôi vẫn im lặng, vấn đề lúc này của tôi là giải quyết thế nào. Nếu chúng ta né vấn đề, thì vấn đề vẫn tồn tại, và khi khách hàng đã sử dụng và lỗi sớm muộn cũng bung ra, thì chuyện gì sẽ xảy ra. Bạn có thể nói khách hàng sẽ phải cố mà dùng chăng? Nếu bạn có ý nghĩ như vậy, tốt nhất là bạn nên sống một mình.

- Làm thế nào mà giờ mình mới thấy lỗi đó nhỉ? - Tôi hỏi Tuấn.

- Trước cái thủ tục phát sinh BTP nó sai, nó phát sinh ra quá nhiều BTP, nên mình tạo được nhiều lớp vải trên một bàn cắt, cho nên không ai thấy lỗi này. - Tuấn trả lời tôi.

Tôi mới nhớ lại, trước đó một hôm, tôi có nhờ chị Hương nhập liệu chính xác với một vài đơn hàng có thật tại Minh trí. Chị Hương đã nhập đúng như vậy, và nó phát sinh một cái lỗi lạ, đó là cây vải gắp thả vào bàn cắt lúc thì được lúc thì không.

Lỗi là lỗi, tôi chỉ nghĩ là nó là do lỗi xử lý sự kiện trên form, và Tuấn sẽ fix rất nhanh cái đó.

Thế mà không nhanh.

Phải hơn tiếng sau Tuấn mới nói tôi “cây vải đó không có trong danh sách BTP, cho nên nó không thả được vào là đúng rồi”.

À, hay thật, hóa ra Tuấn đã ràng buộc chính xác ngay từ đầu, đúng với thực tế.

- Nhưng thế thì cây vải đó ở đâu ra? Tôi hỏi.

- Mình nhập sai?

- Sao sai được, đơn hàng này trên thực tế là đã được sản xuất, và phiếu xuất kho là có thật, chị Hương dùng phiếu đó để nhập cây vải, sao có thể xuất sai được.

Tôi nói rồi mở bảng phối màu của đơn hàng đó, đúng là có màu vải đó, trong khi đó thì ở danh sách BTP lại không có.

- Kỳ zậy, sửa rồi mà vẫn sai sao. Tuấn vừa nói vừa chăm chú vào màn hình máy tính... “kỳ zậy” vài lần thì lỗi đó cũng được khắc phục.

Và khắc phục xong, thì nó, cái lỗi sai khóa chính mới tòi ra.

Bạn đã thấy cái luồng chưa.

Một cái sai nhỏ, che một cái sai lớn, một cái sai nhỏ để lâu ngày, che một cái sai lớn. Đó là chuyện phát sinh BTP sai, dẫn tới không thấy sớm cái sai của bàn cắt.

Một cái cẩn thận nhỏ, đó là ràng buộc cây vải với bàn cắt, dẫn tới thấy ngay cái sai nhỏ, từ đó thấy được cái sai lớn.

...

- Anh Hải ơi?

- Có đây, lại có chuyện gì vậy?

- Anh kiểm tra hộ em, cái BTP của mình nó có bị sai không với.

- Sai rồi, anh có dùng nó đâu. Anh Hải trả lời. Anh vẫn phải dùng cái kế hoạch sản xuất chi tiết để giao BTP.

Anh Hải mà phải nói vậy, thì đúng là chúng ta cần phải nghiêm túc xem lại mình.

Tôi lại im lặng, giờ có lẽ tôi đã rất thấm thía cái sự nguy hiểm của lỗi nhỏ nhặt, nói gì tới lỗi lớn.

Tôi quay qua nói với Tuấn “em cứ về nghỉ đi, anh nghĩ cái này mình không vội được, nghỉ đi rồi tính sau”.

Tuấn đã về, chỉ còn tôi và chị Hương ngồi lại trong phòng làm việc, tôi nói với chị Hương:

- Bọn anh gặp lỗi kỹ thuật em ạ, chắc phải vài ngày nữa mới xong, anh chưa biết Tuấn phải mất bao lâu để giải quyết, có thể vài ba ngày, có thể lâu hơn.

- Vâng, em hiểu, dự án còn dài, em cũng mong nó (phần mềm) được ổn định, chứ không phải sửa chỗ này, lại lỗi chỗ khác... anh cứ khắc phục, bọn em đợi được.

Tôi thầm cảm ơn sự thông cảm của khách hàng, và không hiểu bằng cách nào đó mà lỗi được khắc phục vào ngay ngày Thứ Hai, được hoàn thiện vào sáng ngày Thứ Ba và chiều hôm đó thì Tuấn trở vào Sài Gòn.

Tôi viết những dòng này sau khi vừa tìm mua được mấy máy in laser để phục vụ cho việc triển khai phân hệ này, Tuấn thì vẫn đang làm nốt một số chức năng phát sinh theo yêu cầu của khách hàng. Việc triển khai còn nhiều ở phía trước, SMB sẽ được đưa vào sử dụng tuần sau, tiếp đó là SMA - Phân hệ mới của Sewman mà anh HùngMT đang hoàn thiện, và một số phân hệ khác.

Bài học thì vẫn còn nguyên đó.

“Tôi sẽ luôn thấy sự nguy hiểm của các lỗi nhỏ nhặt”.

Rất có thể vì “You can do hundred things right, but one mistake can destroy everything...”

Còn bạn thì sao?

Trương Hồng Hạnh – TTSOFT

Chuyện nói thêm

Như trong bài trước tôi có viết, chúng ta là người, vốn không hoàn thiện, nên lỗi có và còn có, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta xem nhẹ các lỗi đã và đang mắc phải.

Cái tôi thấy thấm thía, đó là ý thức của mình trước cái lỗi đã phạm.

Hàng ngày tôi vẫn gắng nhìn mình xem đã phạm lỗi gì, như nói dối, như nói những lời phù phiếm.

Biết sợ hãi, xấu hổ vì một lỗi đã phạm chỉ làm chúng ta tốt lên, không có gì xấu.

Ngược lại, xem nhẹ chỉ làm chúng ta xấu đi, không có gì tốt.

Nếu bạn đọc kỹ bài vừa rồi, bạn sẽ thấy tôi không phê phán lỗi. Vì sao, vì lỗi đã được làm ra rồi, không có ích gì mà phê phán. Nhưng cái bài học rút ra về cách thức xử lý nó mới quan trọng.

TTSOFT là công ty sản xuất phần mềm, lỗi trên các dự án còn rất nhiều, đó là mới chỉ những lỗi đã phát hiện ra và được ghi nhận. Thế nhưng, sẽ rất nhiều lỗi còn nằm đó, đã rất lâu, để rồi sinh ra những chuyện tương tự như trong câu chuyện trên. Bạn có thể bận một dự án đang cần làm gấp, thế nhưng khi CR còn nhiều, bạn luôn có việc làm.

Đó là tôi nói với các bạn lập trình viên.

Thế còn các bộ phận khác thì sao?

Đây là khác biệt cơ bản của quản trị tinh gọn với các chiến lược quản trị khác, đó là liên tục cải tiến. Cho dù hệ thống có được đánh giá là tốt nhất, thì nó vẫn có thể được cải tiến, nó còn có lỗi.

Nếu bạn thấy sự nguy hiểm trong những lỗi được coi là nhỏ nhặt, thế thì bạn đang đi trên con đường của quản trị tinh gọn.

“Tôi thực sự không ngờ, mấy lỗi nhỏ nhặt lại nguy hiểm tới vậy! “

Mong rằng chúng ta một ngày nào đó không phải tự thốt lên như thế.

HTML Comment Box is loading comments...
26/09/2021

Xem thêm

Nhận tin tức mới nhất từ TTSOFT

12/9 Đào Duy Anh, Phường 9,
Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

(+84.28) 3848-99-75